Thuốc gốc và dùng thuốc gốc
[19/10/2009 14:26:06]

Thực tế hiện nay có không ít dược sĩ chỉ mới hiểu dùng thuốc gốc (TG) là rẻ, tiết kiệm và chỉ tuyên truyền một chiều, ít có biện pháp cụ thể và thường hay mắc mớ với bên y. Cần hiểu vấn đề này một cách "mềm dẻo", và chỉ đề cập đến những mặt chưa đúng để uốn nắn việc dùng thuốc (kiểm tra bằng tỷ lệ dùng thuốc hợp lý trên số bệnh án) giống như ngày xưa trong phong trào dùng thuốc hợp lý an toàn.

Thuốc gốc (TG) là cách gọi một sản phẩm đã phát minh từ trước đó, sản xuất không cần giấy phép nhượng quyền của nơi sở hữu phát minh, bởi thời hạn bảo hộ độc quyền phát minh đã hết. Từ một hoạt chất (HC), có nhiều nơi sản xuất ra các BD khác nhau.

Biệt dược (BD)  là  tên thương mại, chỉ riêng tên BD không thể biết là TG hay thuốc  mới phát minh (TMPM).

Các quan niệm 

Dùng TG là dùng thuốc giá thấp, nhằm giảm chi phí khám chữa bệnh (KCB). Tùy trường hợp. Khi nhiễm khuẩn nhẹ, có thể dùng TG (ví dụ betalactam thế hệ cũ). Khi nhiễm khuẩn nặng, phải dùng thuốc mới (TM), có tính kháng khuẩn mạnh, rộng hơn (ví dụ các cefalosporin, các fluoroquinolein thế hệ mới nhất).

Có một số người thu nhập cao, muốn dùng TM. Cần tạo điều kiện, nếu  không, họ sẽ ra nước ngoài điều trị. Lúc ấy tuy tiết kiệm về thuốc song lại thất thu về dịch vụ KCB. Một số nước (Á- Phi) nhập  các liệu pháp điều trị tiên tiến, TM, thành lập "bệnh viện quốc tế", thu viên phí không cao, nhằm thu hút khách  trong nước, khách du lịch từ các nước công nghiệp phát triển đến KCB. Đó cũng là một cách làm hay.

Ngành y đang vươn lên thực hiện các kỹ thuật điều trị tiên tiến. Nếu ngành dược không nhập  những TM cần thiết, thì sẽ không hỗ trợ được cho ngành y.

Mô hình bệnh tật đã thay đổi so với trước: có bệnh xưa ít mắc, nay phát hiện ra nhiều (huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, nội tiết, tim mạch) có bệnh  trước không chữa nay yêu cầu chữa (loãng xương), có bệnh ngày càng diễn biến phức tạp (nhiễm vi khuẩn,virus mới, vi khuẩn đa kháng thuốc). Trong khi đó, thời hạn sở hữu phát minh 10-15 năm, việc nghiên cứu một thuốc mới  tốn hàng tỷ USD, mất hàng chục năm. Do đó việc dùng TG là cần thiết nhưng cũng cần dùng TM với tỷ lệ thích đáng  để đáp ứng với  mô hình bệnh tật.

Khuynh hướng sản xuất ở nước ta cũng đang theo hướng này: cố gắng thoát ra khỏi những danh mục hoạt chất "generic" (TG), hướng tới những nhóm thuốc đang tăng tỷ lệ sử dụng thuốc chuyên khoa .

Dù HC là TG hay TM thì dùng BD nội vẫn rẻ hơn BD ngoại, góp phần quan trọng vào việc tiết kiệm chi phí chữa bệnh.

Một số cách làm  chưa đúng trong dùng TG

Theo đó, Không thể máy móc đặt ra một chỉ tiêu dùng TG chung, quá lớn mà phải căn cứ vào bệnh tật và khả năng chi trả  mà có mức dùng hợp lý với từng BV. Có thể đánh giá điều này qua tỷ lệ dùng thuốc hợp lý (trên bệnh án). Hiện có những cách dùng TG chưa thật hợp lý:

Trong điều trị nội trú:

- Dù bị bệnh gì, mức nào, người bệnh cũng muốn KCB ở BV, tuyến càng cao càng tốt, không thích KCB ở tuyến cơ sở, tuyến dưới. Khi kê đơn bác sĩ (BS) phải cho TM, BD ngoại, "cho tương xứng" với công đi lại, chờ đợi  song càng chiều theo  ý muốn, thì số người bệnh  lên tuyến trên càng nhiều,  tạo ra  áp lực ngược trở lại lớn hơn cho BS.

- Có đông người bệnh sẽ căng thẳng. Nhưng BV cũng muốn thu hút người bệnh (để chứng tỏ uy tín, có thêm nguồn thu, nguồn thưởng). Do đó, dù có sự phân cấp kỹ thuật, các BV kể cả phòng khám, BV tuyến dưới đều muốn sắm thiết bị tiên tiến, sắm TM, BD ngoại. Điều có lợi là nâng cao thêm chất lượng khám chữa, song cũng tạo ra sự lạm dụng các thứ này.

- Đa số bác sĩ (BS), dược sĩ (DS) có sự lựa chọn, cung ứng thuốc đúng. Song cũng không ít BS thích dùng TM, BD ngoại nhằm đạt hiệu quả nhanh, tạo uy tín cá nhân (khi về khám tư sẽ đông khách), ngoài thuốc có sẵn trong BV, còn gợi ý, kê đơn cho người bệnh mua thêm TM, BD ngoại ở ngoài khi đang điều trị hay khi xuất viện, nhằm hưởng "hoa hồng; một số DS cũng muốn mua nhiều TM, BD ngoại, vì sẽ khỏi bị BS kêu ca, mà còn được các công ty "chăm sóc"!.Nhân viên y tế đồng tình làm cầu nối giữa người  bệnh - thầy thuốc để làm việc này. Trình dược viên  đến từng BS, DS để giới thiệu cho TM, BD ngoại kèm theo khoản tiền hoa hồng không nhỏ. Những tác động nhiều mặt như thế làm cho tỷ lệ dùng TM, BD ngoại tăng cao, mặc dù đã có hạn chế một phần do các quy chế. Do điều này (cộng với các sự lạm dùng thuốc khác), nên chi phí thuốc chữa  bệnh vẫn lớn, chiếm       60-70% trên chi phí chung của BV, trong khi  tỷ lệ này ở các nước phát triển chỉ ở mức 20-30%.

- Căn cứ vào thực tế (bệnh tật, khả nặng chi trả) nhà quản lý có thể làm cho BS, DS  đồng thuận về phác đồ điều trị, lập kế hoạch, chỉ tiêu dùng thuốc TG, BD nội (có thể kiểm tra điều này qua tỷ lệ dùng thuốc hợp lý trên bệnh án). Tuy nhiên, tại hầu hết BV công tác dược lâm sàng chưa phát triển mạnh, ít nơi bỏ công ra làm việc  này, chỉ kêu gọi, phê phán chung chung, nên khó tạo được sự thống nhất hành động.

Trong điều trị ngoại trú:

Từ các báo cáo kinh doanh của một số công ty cho thấy thuốc dùng ngoài bệnh viện chiếm 60-70% tổng lượng thuốc tiêu dùng. Điều này có thể đúng với tình hình chung vì cả nước có tới 9.066 nhà thuốc, 39.172 quầy bán lẻ, khoảng 900 nơi cấp thuốc BHYT ngoại trú, chưa kể có hàng nghìn phòng khám tư kiêm luôn  bán thuốc.

Thị hiếu  thích dùng TM, BD ngoại của người dân chưa được cải thiện (do chưa hiểu cặn kẽ, tin vào quảng cáo, tiếp thị). Quy chế kê đơn, quy chế hành nghề tư vẫn chưa thực thi tốt. Một số BS, còn làm cả việc bán thuốc, kê đơn chưa hoàn toàn vì yêu cầu chữa bệnh mà đôi khi còn có phần vì "hoa hồng". Một số ít BS khi điều trị nội trú trong giờ hành chính tại BV thì cho dùng TG, BD nội rất nghiêm chỉnh, nhưng khi về chữa tư thì chỉ dùng TM, BD ngoại, đôi khi còn lấy đó để lôi kéo người bệnh về chữa tư. Nhà thuốc cũng muốn có doanh số lớn, lợi nhuận nhiều. Khi đã  như thế thì dĩ nhiên họ cho người bệnh dùng TM, BD ngoại...

Bệnh điều trị ngoài BV thường là bệnh cấp thể nhẹ, bệnh mạn ở giai đoạn không nguy hiểm, lẽ ra tỷ lệ  dùng TG,  BD nội cao nhưng thường không thể đạt được vì các lý do trên.

Lời kết

Cần làm cho BS, DS, nhân viên y tế, người bệnh, người dân hiểu rõ TG, TM, BD nội, BD ngoại, để có sự phân biệt rõ và lựa chọn đúng. Việc cần làm là đẩy mạnh truyền thông về thuốc, chấn chỉnh việc quảng cáo tiếp thị, triển khai tốt dược lâm sàng, xây dựng tốt mối quan hệ y dược, trên cơ sở đó uốn nắn việc dùng thuốc chưa hợp lý. Có như thế mới có thể đạt được tỷ lệ dùng TG, dùng BD nội đúng với thực tế và không bị lạm dụng TM, BD ngoại.

DS. Hà Thuỷ Phước

Nguồn: Báo sức khoẻ & đời sống