Hướng đi cho dược phẩm xuất khẩu?
[06/08/2009 23:52:30]

Cùng với tốc độ phát triển kinh tế của cả nước, ngành dược Việt nam đã không ngừng phát triển, đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động và xây dựng thương hiệu trên thị trường. Lượng thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng(năm 2008) và dành cho xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù doanh thu xuất khẩu thuốc của doanh nghiệp dược nước ta còn nhỏ nhưng đây là nền tảng để thúc đẩy phát triển ngành dược và tiến tới xây dựng thương hiệu dược phẩm của Việt Nam.   


Tình hình sản xuất và xuất khẩu dược phẩm

    Theo Hiệp hội sản xuất, kinh doanh Dược Việt Nam. trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp Dược nước ta có sự phát triển khá mạnh. Điều này được thể hiện ở giá trị sản xuất thuốc trong nước liên tục tăng. Năm 2006, giá trị thuốc sản xuất trong nước đạt 475,4 triệu USD và năm 2007 tăng lên 600,6 triệu USD và năm 2008 đạt 693,7 triệu USD.
    Theo Cục quản lý Dược Việt Nam, trong số 1.500 hoạt chất có trong các thuốc đã đăng ký, số hoạt chất sản xuất nội địa tăng từ 380 năm 1999 lên 773 hoạt chất năm 2006. Đến hết tháng 6/2008, có 8.167 số đăng ký tân dược là 6.422, chiếm 78,6%. Hiện nay, sản lượng thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ thuốc nội điạ và đang hướng ra xuất khẩu.
    
    Xuất khẩu dược phẩm trong những năm gần đây cũng có nhiều khởi sắc, tổng giá trị xuất khẩu năm 2007 đạt 22,1 triệu USD, tăng 22,1% so với năm 2006 và năm 2008 đạt khoảng 39 triệu USD, tăng 76,4% so với năm 2007. Tuy nhiên, so với giá trị sản xuất thuốc trong nước, con số này còn quá khiên tốn. Xuất khẩu dược phẩm năm 2008 chỉ mới đạt tỷ trọng 5,6% so với tổng giá trị dược phẩm sản xuất trong nước. Thị trường xuất khẩu dược phẩm chủ yếu của Việt Nam trong những năm gần đây là châu Phi, Nga, một số nước láng giềng. Công ty Dược Hậu Giang cho biết, mấy năm trở lại đây công ty này đã xuất khẩu được một số đơn hàng sang Nga, Campuchia, tuy nhiên số lượng xuất khẩu còn rất nhỏ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của công ty là Kim Tiền Thảo, thuốc kháng sinh, một số loại vitamin tổng hợp và một số mặt hàng khác theo yêu cầu của đối tác. Các đối tác của công ty chủ yếu là các Việt kiều, mua hàng của công ty rồi bán các nước sở tại.


Tìm hướng đi cho xuất khẩu dược phẩm

    Mặc dù đã có sự phát triển nhưng ngành dược của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hàm lượng kỹ thuật thấp, thiếu định hướng và chưa chủ động được thuốc sản xuất trong nước. Việt Nam hiện đang phải phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất dược phẩm, có tới 90% nguyên liệu phải nhập khẩu. Phần lơn doanh nghiệp tập trung sản xuất những loại thuốc thông thường, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất các loạ thuốc có dạng bào chế đặc biệt và thuốc chuyên khoa đặc trị. Thêm vào đó, mặc dù có tiềm năng về nguồn dược liệu song ngành dược nước ta chưa có sự kết hợp quy hoạch vùng trồng và khai thác dược liệu với sản xuất thuóc.
    
    Chính những điều này đã hạn chế sự phát triển của ngành dược Việt Nam nói chung và xuất khẩu dược phẩm nói riêng. Vấn đề đặt ra cho ngành dược hiện nay là cần phải tìm ra giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, tìm hướng đi cho xuất khẩu, nâng cao tỷ trọng xuất khẩu dược phẩm trong thời gian tới.
    
    Bộ Y tế hiện đang tiến hành quy hoạch sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước qua việc khảo sát, đánh giá thực tế năng lực cụ thể của từng nhà máy, xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia về khoa học công nghệ dược, thành lập viện nghiên cứu dược để thực hiện công tác nghiên cứu, phát triển các quy trình công nghệ để phục vụ công nghiệp bào chế thuốc. Bên cạnh đó, Bộ Y tế và Bộ công thương cũng đã thống nhất, cần sớm hoành thành quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hoá dược và công nghiệp dược.
    
    Trước mắt, Việt Nam cần tập trung xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế" - GMP - WHO. Thuốc là sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người, do đó khi xuất khẩu, các doanh nghiệp dược Việt Nam sẽ vấp phải hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt. GMP là hàng rào đầu tiên và quan trọng nhất đòi hỏi các doanh nghiệp phải vượt qua nếu muốn xuất khẩu dược phẩm. Theo Chiến lượng phát triển Công nghiệp Dược Việt Nam, đến hết năm 2010, tất cả các doanh nghiệp có chức năng sản xuất dược phẩm phải đạt tiêu chuẩn GMP WHO. Theo Cục quản lý Dược - Bộ Y tế, hiện nay có khoảng hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh dược của Việt Nam đạt tiêu chuẩm GMP. 
    
    Dược phẩm là hàng hoá rất nhạy cảm, ngay cả việc quản lý dược phẩm trong nước hiện nay cũng đang gặp khó khăn, do đó để hướng ra xuất khẩu, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước trong việc tìm kiếm thông tin về ngành hàng và thị trường, những hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát các thị trường tiềm năng. Hy vọng trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự năng động của các doanh nghiệp, ngành dược Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường quốc tế, đóng góp vào nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.