Các doanh nghiệp Dược Việt Nam sau 2 năm hội nhập WTO
[06/08/2009 23:52:30]
Phỏng vấn ông Đỗ Văn Doanh, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam (do phóng viên Hùng Sơn, Tạp chí Dược và Mỹ phẩm thực hiện, in trên số đầu tiên của Tạp chí, ra ngày 01/7/2009).
        PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về các doanh nghiệp Dược Việt Nam sau hơn 2 năm gia nhập WTO, cái được và cái chưa được?

        Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là của Bộ Y tế, trong thời kỳ đổi mới và hơn 2 năm gia nhập WTO. Cái được của các doanh nghiệp Dược Việt Nam là đã đạt được những thành tựu đáng kể như năng lực, tính chuyên nghiệp, sức cạnh tranh, hiệu quả và thương hiệu của các doanh nghiệp đã được nâng lên rất nhiều.

        Đến nay, trong số 180 đơn vị sản xuất thuốc thì có hơn 80 đơn vị đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất - GMP, thực hành tốt kiểm nghiệm - GLP; hơn 90 đơn vị đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP; hơn 100 đơn vị đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc - GDP; khoảng 250 đơn vị đạt tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc - GPP. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ được nâng lên không ngừng sau mỗi năm, trong khi giá cả lại thấp hơn so với thuốc nhập ngoại. Thuốc sản xuất trong nước đã có thương hiệu, chỗ đứng trong thị trường, nhiều sản phẩm có tín nhiệm, được chọn dùng thay thế cho các thuốc nhập ngoại để điều trị tại các bệnh viện Trung ương, địa phương và trong nhân dân. Tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước tăng từ hơn 30% lên hơn 50% vào năm 2008. Thuốc xuất khẩu năm 2008 đã đạt khoảng 39 triệu USD, tăng 76% so với năm 2007. Đã đáp ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

        Có được những thành tựu trên là do thực hiện đúng đường lối đổi mới của Đảng và các chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực  phấn đấu của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của cộng đồng xã hội.

        Tuy nhiên, cái chưa được là: sản phẩm chưa đa dạng hoá, chưa sản xuất được nhiều các mặt hàng thuốc chuyên khoa đặc hiệu có kỹ thuật bào chế khó. Sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ, hàm lượng chất xám và hiệu quả kinh tế, sự hợp tác và tính cộng đồng của các doanh nghiệp Dược trong nước chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực và tính chuyên nghiệp cần phải tiếp tục được nâng lên.

        PV: Để hội nhập sâu rộng vào nên kinh tế khu vực và thế giới, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp, Nhà nước cần phải hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp Dược, thưa ông?

        Một là, vì sức khoẻ của mỗi người dân là vốn quý và là nguồn lực phát triển của xã hội, Chính phủ nên có chính sách quy định hỗ trợ lãi suất ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư nghiên cứu, sản xuất các mặt hàng thuốc thiết yếu, thuốc chuyên khoa đặc hiệu, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân, thay vì hiện hành Chính phủ mới chỉ quy định hỗ trợ lãi suất ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư sản xuất các thuốc thuộc nhóm kháng sinh và thuốc là dung dịch tiêm truyền. Để giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong công tác đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao tỷ trọng thuốc trong nước.

        Hai là, Chính phủ nên có chính sách để phát triển mạnh công nghiệp hoá dược trong nước, để giúp chủ động nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất thuốc trong nước, góp phần bình ổn giá thuốc. Hiện tại khoảng 90% nguyên phụ liệu cho sản xuất thuốc trong nước đang phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời khuyến khích phát triển nguồn dược liệu trong nước, cung cấp cho sản xuất thuốc từ dược liệu.

        Ba là, Chính phủ nên tiếp tục khuyến cáo nhân dân, ủng hộ dùng hàng Việt Nam có chất lượng, để góp phần phát triển sản xuất trong nước. Đề nghị Bộ Y tế  tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện Trung ương, địa phương tăng cường sử dụng thuốc sản xuất trong nước, được sản xuất trên dây chuyên công nghệ theo tiêu chuẩn GMP, có chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý để góp phần tăng tỷ trọng thuốc trong nước.