Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch sau lũ:
[02/11/2010 10:51:24]

Nỗ lực, không để dịch bệnh xảy ra

Theo đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu dẫn đầu đi thị sát, kiểm tra công tác y tế tại 4 tỉnh miền Trung là Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An, chúng tôi đã ghi nhận những lỗ lực không mệt mỏi của các nhân viên y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) người dân trong và sau lũ ngay cả khi cơ sở y tế bị lũ dữ tàn phá.


 

 

Tăng cường giám sát và phòng dịch

Tại các buổi làm việc với lãnh đạo 4 tỉnh nơi Bộ trưởng đang đi khảo sát thì vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu lưu tâm hàng đầu là việc giải quyết nguồn nước sạch. Theo Bộ trưởng: "Chỉ đến khi nguồn nước được xử lý đúng cách, đảm bảo vệ sinh thì mới khống chế được tình hình dịch bệnh sau lũ". Quan điểm của người đứng đầu Bộ Y tế là: Các tỉnh nằm trong vùng tác động của lũ cần phải tăng cường hơn nữa khâu giám sát và phòng dịch; Phát hiện sớm, phong tỏa và dập mầm bệnh ngay khi phát hiện bất kỳ trường hợp nào mắc các loại bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, không để bùng phát trên diện rộng; Chủ động cấp phát thuốc tới người dân tại mỗi địa phương nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác tiếp ứng, khám chữa bệnh và phòng dịch.

 Bộ trưởng thăm hỏi bà con vùng lũ. Ảnh: PV

Bộ Y tế đã thành lập 12 đoàn công tác chuyên trách hướng về miền Trung vừa hướng dẫn việc phòng tránh dịch bệnh, đảm bảo công tác y tế và chia sẻ những mất mát của người dân vùng lũ.

Trong chuyến công tác lần này, ngoài cơ số thuốc tăng cường cho các tỉnh, Công đoàn Bộ Y tế cũng đã trao hơn 400 triệu đồng tiền mặt do cán bộ Bộ Y tế ủng hộ nhằm giúp các gia đình cán bộ trong ngành của 4 tỉnh vơi đi phần nào khó khăn do lũ gây ra.

Theo báo cáo thì đến thời điểm hiện tại, chưa tỉnh nào phát sinh ổ dịch về tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết. Tuy vẫn có người dân trong 4 tỉnh bị mắc những căn bệnh này phân bố rải rác, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế địa phương. Trưởng phòng y tế huyện Vũ Quang, ông Nguyễn Đình Sơn cho biết: "Ở xã Đức Liên, tình trạng người dân bị nước ăn chân và các chứng viêm nhiễm ngoài da do tiếp xúc với nước đã trở nên khá phổ biến. Hiện chúng tôi đã cử cán bộ đưa cấp phát thuốc cho người dân, đồng thời tiến hành rà soát tại những địa phương khác để khám, chữa kịp thời. Nhưng cũng đang lo bởi lượng thuốc của phòng có hạn. BS. Phạm Văn Khang, Giám đốc TTYT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết thêm: "Trong cộng đồng đang có hiện tượng người dân đau mắt đỏ, nước ăn chân, cảm sốt do virut. Huyện đã cấp mỗi xã 2 cơ số thuốc, nhưng sợ không đủ. Chúng tôi đang chờ phát thêm để điều phối thêm cho những điểm thực sự cần thiết. Sau lũ, nhiều cơ sở y tế bị hư hỏng cần có thời gian để khắc phục nên không tránh khỏi tình trạng khám chữa bệnh tại một số xã bị gián đoạn".

Chung tay khắc phục

Ngay từ đầu mùa lũ, trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên, Nghệ An thông qua hệ thống y tế cơ sở thông báo đảm bảo nguồn nước sinh hoạt sau lũ bằng cách dùng bạt chặn kín miệng giếng tránh tình trạng nước lũ tràn vào gây ô nhiễm, Sở Y tế Nghệ An cũng đã cấp 32.000 viên Aquatals, 80.000 viên Cloramin B để Hưng Nguyên cấp phát ngay cho các địa phương bị ngập nặng.

 

Cán bộ y tế Hà Tĩnh hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt. Ảnh: Nhật Thắng

Tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), tính đến thời điểm ngày 25/10, quân đội, thanh niên các địa phương đã xử lý trên 17.000 giếng trên tổng số hơn 20.000 cái. Huyện Vũ Quang cũng đã xử lý xong 21.000 giếng nước. Xã Vượng Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh), nơi Bộ trưởng đến khảo sát, cũng đã xử lý xong trên 28.000 giếng. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã đến động viên lực lượng thanh niên tình nguyện trong xã tiếp tục công việc giúp đỡ nhân dân trong vùng thau rửa số giếng còn lại, thu gom xử lý rác thải.

Điều đáng ngại nhất lúc này là công tác thu dọn vệ sinh tại các xã vùng ngập trũng đang gặp trở ngại do thiếu nhân lực. Lực lượng y tế, quân đội, thanh niên tình nguyện được đưa về chủ yếu thu dọn các công trình phúc lợi xã hội như trạm y tế, trường học. Những khu vực còn lại như đường liên thôn liên xã, thôn xóm được giao cho người dân địa phương, trong khi đó họ đang lo cứu chữa tài sản của gia đình. Bởi thế, đến thời điểm hiện tại, tình trạng rác thải, bùn đất vẫn còn ngổn ngang ở quanh những vùng vừa qua đợt lụt. Với thực tế này, ngành y tế ở địa phương lo ngại dịch bệnh xuất hiện sau lũ là rất lớn, vì thế công tác phòng chống dịch và xử lý môi trường sau lũ đang được tiến hành rốt ráo.