BIDIPHAR sản xuất thành công thiết bị xử lý chất thải rắn y tế
[03/08/2009 17:03:56]

  Xử lý chất thải rắn y tế đang là một vấn đề rất bức xúc của Ngành Y tế Bình định nói riêng và của cả nước nói chung. Trong hành trình đi tìm giải pháp, CÔNG TY DƯỢC - TBYT BÌNH ĐỊNH (BIDIPHAR) đã chế tạo thành công lò đốt rác Y tế BDF-LDR 30. Thiết bị này là một giải pháp góp phần xử lý rác thải một cách hiệu quả và an toàn cho ngành Y tế

  Rác thải rắn Y tế vừa mang tính chất của rác thải sinh hoạt vừa mang những đặc trưng của ...bệnh viện như : nhau thai, mô người, các ổ vi trùng của các loại bệnh viêm nhiễm, các hoá chất xét nghiệm, các chất phóng xạ...nên được xem là rác thải vô cùng độc hại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình định , chỉ có một lò đốt rác y tế tại Bệnh viện chuyên khoa Lao phục vụ cho nhu cầu của tất cả các Bệnh viện trong tỉnh. Vì vậy, lượng rác thải từ các Bệnh viện thải ra hàng ngày chưa được giải quyết triệt để, nhất là các Bệnh viện tuyến Huyện. Lò đốt BDF-LDR 30 là một giải pháp góp phần giải quyết vấn đề này.
   Đây là một thiết bị không gây ảnh hưởng đến môi trường vì trong quá trình chế tạo, chúng tôi đã bám sát những Tiêu chuẩn Việt nam về lò đốt rác và các thiết bị Y tế. Ngay cả giải pháp chọn điện cũng được cân nhắc rất kỹ thay vì nếu chọn gas dễ gây cháy nổ, dầu DO khi đốt sẽ thải ra khí Dioxin. Điện là nguồn năng lượng sạch, hơn nữa, dùng các linh kiện về điện vừa gọn, lại chính xác.
   Trong quy trình đốt, quan trọng nhất là làm thế nào để triệt tiêu được chất hữu cơ còn đọng trong khói, để khói thoát ra không màu, không mùi. Vì khi đốt, khói thoát ra mang màu đen do còn chất hữu cơ, rất độc hại, gây ô nhiễm môi trường và còn mang mầm bệnh. Để "đốt" hết chất hữu cơ trong khói phải gia nhiệt từ 1.050 độ C đến 1.200 độ C và tính toán cả đường đi củA khói. Tuy nhiên, ở nhiệt độ này, rất khó tìm được loại vật liệu có thể chịu đựng được nhiệt độ cao mà không bị đứt gãy hay biến chất.
   Kỹ sư Phạm thị Minh Lượng - Trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết :"Chẳng hạn, điện trở đốt là một chi tiết quan trọng trong lò đốt, chúng tôi đã thử rất nhiều loại nhưng khi tăng nhiệt, điện trở hay bị đứt do đường kính không phù hợp, cuối cùng chúng tôi cũng lựa chọn được một loại điện trở tốt có bán trên thị trường, đáp ứng yêu cầu. Đường đi của khói cũng phải được tính toán sao cho thời gian lưu cháy của khí cháy trong buồng đốt thứ cấp không được thấp hơn 1,5 giây đê chất hữu cơ được đốt hết"
   Lò đốt hoàn thành sau 15 tháng làm việc miệt mài của nhóm nghiên cứu và công nhân xưởng Cơ điện của BIDIPHAR. Rác thải rắn Y tế như Xương, kim tiêm, bông băng....sau khi đốt đã tiêu huỷ được hết chất hữu cơ. Đặc biệt, khói thoát ra chỉ là một làn hơi mỏng, không màu, không mùi.
    Hiện nay, lò đốt rác BDF-LDR 30 đã được nhóm nghiên cứu phát triển thành đề tài khoa học"Nghiên cứu chế tạo lò đốt chất thải rắn y tế 30 kg/mẻ" và được Hội đồng nghiệm thu xếp loại khá khi bảo vệ ở cấp Tỉnh. Sắp tới, Bệnh viện Đa khoa Bồng Sơn sẽ là đơn vị đầu tiên sử dụng thiết bị này trong việc xử lý chất thải rắn y tế