Đẩy mạnh sản xuất thuốc trong nước: Mục tiêu quan trọng của ngành dược Việt Nam
[03/11/2009 08:16:18]

Gia nhập WTO, ngành công nghiệp dược non trẻ của Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức và nhiều biến động. Để có thể tham gia hội nhập, Bộ Y tế đã chủ động đề ra các phương hướng, mục tiêu cụ thể, trong đó biện pháp đẩy mạnh nền sản xuất, phát triển ngành công nghiệp dược trong nước được coi là mục tiêu quan trọng trong chiến lược của ngành dược Việt Nam.

Phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập khu vực và thế giới, bảo đảm cung ứng thuốc thường xuyên và có chất lượng" là mục tiêu chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2010. Để đảm bảo mục tiêu này, ngành dược đã triển khai áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt (GPs) trong tất cả hoạt động từ sản xuất, kiểm nghiệm, đến tồn trữ, lưu thông, phân phối thuốc.

Sản xuất thuốc tại một công ty dược trong nước

Cho đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất thuốc tân dược đã đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn GMP, năng lực sản xuất tăng lên một cách đáng kể. Các cơ sở sản xuất đã và đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất hiện đại, mua dây chuyền công nghệ cũng như đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nên đã nhận được sự cho phép của nhiều tập đoàn sản xuất thuốc nổi tiếng đồng ý cho phép sản xuất nhượng quyền, sản xuất theo đặt hàng các sản phẩm công nghệ cao, thuốc chuyên khoa đặc trị. Ví dụ: Các công ty cổ phần dược Imexpharm, Công ty liên doanh Stada Việt Nam, Công ty cổ phần dược Phú Yên... một số cơ sở cũng đang triển khai xây dựng các cơ sở sản xuất mới với những công nghệ hiện đại nhất hiện nay, như Công ty CP Danapha triển khai xây dựng nhà máy sản xuất thuốc với công nghệ Nano, Công ty Nanogen Biopharmaceutical - TP.HCM đã hoàn thành việc xây dựng lắp đặt nhà máy sản xuất thuốc chuyên khoa đặc trị bằng công nghệ sinh học.

- Bên cạnh sự triển khai xây dựng của các cơ sở sản xuất, Bộ y tế cũng đang triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thuốc sản xuất trong nước:

+ Xây dựng qui định về đánh giá sinh khả dụng và đánh giá tương đương sinh học. Đồng thời thành lập và triển khai hoạt động của các trung tâm đánh giá về sinh khả dụng và tương đương sinh học.

+ Xây dựng và ban hành dược điển Việt Nam, cập nhật bổ sung các qui định tại dược điển các nước tiên tiến, tạo cơ sở kỹ thuật cho việc nâng cao chất lượng thuốc trong nước.

- Xây dựng qui hoạch phát triển công nghiệp dược và qui hoạch hệ thống lưu thông phân phối cung ứng thuốc giai đoạn đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020 để thực hiện Quyết định số 43/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 về việc phê duyêt đề án "Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc cuả Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015 và tầm nhìn đến 2020". Từ những qui hoạch nay sẽ đưa ra các giải pháp như:

+ Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật : Hoàn thiện hơn nữa về các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh phân phối thuốc (như ưu tiên, ưu đãi về đất đai, vốn), và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc.

+ Về khoa học công nghệ như chủ trương nhà nước đầu tư Viện nghiên cứu dược phẩm để nghiên cứu nhiều sản phẩm khoa học công nghệ cao, ứng dụng các kỹ thuật bào chế hiện đại sản xuất cac dạng bào chế mới như thuốc tác dụng tại đích, thuốc phóng thích hoạt chất. Khuyến khích các doanh nghiệp mua bằng sáng chế, chuyển giao và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất. Phối hợp với Bộ KH & CN để lựa chọn các sản phẩm thuốc để đưa vào danh mục các sản phẩm quốc gia đầu tư nghiên cứu, phát triển.

+ Về tài chính: Nhà nước cấp vốn ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất thuốc thiết yếu, đặc biệt là các dự án thuộc chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp dược. Ví dụ: Dự án sản xuất nguyên liệu kháng sinh nhóm Cephalosporin của Công ty CP DP Mekophar. Cải cách việc tính thuế với các doanh nghiệp dược, có chính sách về vốn đối với cơ sở nghiên cứu sản phẩm thuốc.

+ Về nhân lực : Nhà nước hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dược, trú trọng đào tạo các chuyên gia giỏi và công nhân lành nghề. Tăng cường trao đổi hợp tác quốc tế học tập kinh nghiệm quản lý trong SX, KD.

- Bộ Y tế có chính sách khuyến khích sử dụng thuốc trong nước như thuốc tham gia đấu thầu quốc tế và quốc gia, thuốc cung cấp cho bệnh viện, thuốc cho chương trình, ưu tiên thuốc sản xuất trong nước, chỉ khi nào trong nước không sản xuất được mới sử dụng thuốc ngoại.

TS.Quốc Trương

Nguồn: Sức khoẻ&Đời sống