Xuất khẩu Dược phẩm sang Campuchia
[26/01/2010 11:35:40]

Thị trường dược phẩm Campuchia tuy nhỏ nhưng có rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm của Việt Nam khai thác. Theo nhiều doanh nghiệp, nếu thị trường Campuchia chấp nhận dược phẩm Việt Nam thì Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, thâm nhập vào các nước khác trong khối ASEAN.

Theo Hiệp hội sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam, trong những năm gần đây ngành công nghiệp dược của ta có sự phát triển mạnh. Giá trị sản xuất thuốc trong nước liên tục tăng. Năm 2006, giá trị thuốc sản xuất trong nước đạt 475,4 triệu USD, năm 2007 tăng lên đạt 600,6 triệu USD và năm 2008 là 693,7 triệu USD. Mặc dù Việt nam vẫn đang phải nhập khẩu một khối lượng lơn dược phẩm từ bên ngoài, tuy nhiên, ngành dược của ta hiện đang không ngừng phát triển, không chỉ dần đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn đang đẩy mạn hướng ra thị trường nước ngoài như châu Phi, Nga, một số nước Liên Xô cũ, Nhật Bản, ASEAN,...và thị trường đánh giá khá tốt.

Công ty Dược Hậu Giang cho biết, mấy năm trở lại đây công ty đã xuất khẩu một số đơn hàng sang Campuchia, tuy nhiên số lượng sản phẩm còn nhỏ và chủ yếu là Kim Tiền Thảo, thuốc kháng sinh và một số vitamin tổng hợp. Các đối tác của công ty chủ yếu là các doanh nghiệp Việt kiều nhập khẩu về rồi bán tại thị trường nước sở tại.

Theo Công ty Xuất nhập khẩu Dược phẩm F.D.Pharma của Campuchia cho biết, trước đây công ty chuyên nhập khẩu dược phẩm từ các nước như Malaysia, Indonesia, Trung quốc, Thái Lan, và Việt Nam...để phân phối lại thị trường Campuchia và Myanmar, nhưng hiện nay công ty đang chú trọng nhập khẩu dược phẩm do Việt nam sản xuất. Các mặt hàng dược phẩm của Việt Nam được nhập khẩu vào Campuchia gồm các nhóm hàng: Kháng sinh, thuốc bổ, thuốc đặc trị. Kim ngạch nhập khẩu dược phẩm từ Việt Nam của công ty F.D.Pharma trên 1 triệu USD/năm.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dược phẩm sang Campuchia vẫn còn khiêm tốn, song cùng với nhiều hàng hoá khác, dược phẩm của ta đang có nhiều cơ hội chinh phục thị trường này. Sau một thời gian, sản phẩm dược Việt Nam chất lượng cao đang nhanh chóng được người tiêu dùng Campuchia chấp nhận. Campuchia phát triển mạnh về du lịch với lượng khách du lịch hàng năm tương đối lớn, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN. Do đó, nếu các sản phẩm dược của ta được chấp nhận thì sẽ rất thuận lợi để thâm nhập thị trường các nước trong ASEAN.

Tại Campuchia, thị phần dược Việt Nam vẫn còn khá nhỏ so với Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ là do điều kiện vay vốn của các ngân hàng Campuchia khá khó khăn làm hạn chế hoạt động kinh doanh doanh của các doanh nghiệp Việt kiều. Tuy nhiên, chi nhánh các ngân hàng của Việt Nam ở các chi nhánh tại Campuchia, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Kiều có đủ khả năng vay vốn để phát triển kinh doanh. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn(Agribank), ngân hàng sài gòn thương tín(Sacombank), Ngân hàng đầu tư và phát triển(BIDV) đã đầu tư mở chi nhánh taị Campuchia.

Ngành công nghiệp hoá dược Việt Nam còn kém phát triển, các nhà máy sản xuất thuốc phải nhập khẩu trên 90% nguyên liệu, nên chi phí sản xuất bị chi phối bởi các yếu tố như: vận chuyển, tỷ giá ngoại tệ, tình hình thị trường nguyên liệu dược. Mỗi khi thị trường biến động làm cho phí sản xuất tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của dược Việt Nam ở thị trường trong cũng như ngoài nước.

Dược phẩm Việt Nam cần phải có chất lương ổn định. Các nhà máy sản xuất thuốc của ta cần phải bảo hộ sản phẩm bằng cách sản xuất phải theo một chất lượng nhất định. Việt Nam hiện đang tập trung xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn"Thực hành tốt sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế" - GMP-WHO. Theo chiến lược phát triển Công nghiệp Dược Việt Nam, đến hết năm 2010, tất cả các doanh nghiệp có chức năng sản xuất thuốc dược liệu phải đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Theo cục quản lý dược - Bộ Y tế, hiện nay có khoảng hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh dược của Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ cho nhà máy sản xuất bằng cách giảm thuế suất, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc có giá thành thấp cạnh tranh với dược phẩm các nước trong khu vực. Mẫu mã sản phẩm cũng cần phải được cải tiến để bắt mắt hơn nữa. Với lợi thế là nước láng giềng thân cận, quan hệ kinh tế phát triển mạnh với Campuchia và là nước có kim ngạch nhập khẩu lớn vào Campuchia hiện nay, các doanh nghiệp dược phẩm của ta cần phải tận dụng mọi thời cơ đưa hàng hoá của ta sang Campuchia và đặc biệt cần đưa một số mặt hàng dược của ta làm chủ thị trường.

Nguồn: Bản tin Xuất khẩu - Cục xúc tiến thương mại