Quản lý thực phẩm chức năng: Khó từ nhiều phía
[12/10/2009 14:51:50]

Thực phẩm chức năng ở Việt Nam còn rất mới cả về tên gọi, hình thức và phương thức. Để thống nhất việc quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chức năng trên thị trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi kinh doanh, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 08/2004/TT-BYT ngày 23/8/2004 về việc "Hướng dẫn quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng". Tuy nhiên việc quản lý sản phẩm này trên thị trường còn chưa thật hiệu quả.

Thực phẩm chức năng là sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm và thuốc nên còn gọi là thực phẩm - thuốc (Food - Drug). Điều này có nghĩa nó là một loại thực phẩm (dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, không cần có sự kê đơn của thầy thuốc) nhưng mục đích dùng nó không phải vì dinh dưỡng thông thường mà vì tác dụng hỗ trợ chức năng nào đó cho cơ thể, giảm bớt nguy cơ bệnh tật.

Nhiều TPCN bày bán lẫn lộn với thuốc và thực phẩm

Nguồn gốc của thực phẩm chức năng là từ sản phẩm cây cỏ và sản phẩm động vật tự nhiên (có cùng nguồn gốc với thuốc y học cổ truyền). Xu thế của thế giới, nhất là ở các nước không có nền y học cổ truyền thì các dạng sản phẩm này được sản xuất hiện đại hơn, theo công thức nhất định và đổi thành thực phẩm chức năng, sản phẩm chức năng với hàm lượng hoạt chất, vi chất ở mức như nhu cầu của cơ thể hàng ngày.

Điều kiện để sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường Việt Nam phải được chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 42/2005/QĐ-BYT ngày 08/12/2005 của Bộ Y tế kèm theo Quy chế về công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm, trong đó có thực phẩm chức năng. Cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chức năng phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hoạt động quảng cáo thực phẩm nói chung, trong đó có thực phẩm chức năng thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT/BVHTT-BYT ngày 12/01/2004 và Thông tư số 08/2004/TT-BYT ngày 23/8/2004 về việc "Hướng dẫn quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng".

Khó khăn trong quản lý thực phẩm chức năng         

Trong thời gian qua, việc triển khai công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chức năng của các cơ quan chức năng đã từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý với tình hình thực tế của Việt Nam. Song cũng còn tồn tại một số khó khăn:

- Hành lang pháp lý về quản lý sản phẩm theo quy định mới chưa được hoàn thiện (chưa xây dựng được quy chuẩn kỹ thuật đối với thực phẩm chức năng).

- Vấn đề chứng nhận công bố thực phẩm chức năng của nhà sản xuất:

  + Các chất có hoạt chất sinh học chưa định lượng được trong các cơ sở kiểm nghiệm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó chưa đo lường được hàm lượng của các chất có hoạt tính sinh học.

  + Thiếu cơ sở pháp lý của các nghiên cứu khoa học dược động học, độc học, thử nghiệm lâm sàng chứng minh tác dụng của hoạt chất sinh học có trong sản phẩm thực phẩm chức năng. Do đó khó lượng hoá được tác dụng, độc tính, thời gian bán hủy của các chất có hoạt tính sinh học trong sản phẩm thực phẩm chức năng.

- Vấn đề nhãn sản phẩm thực phẩm chức năng, thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng của nhà sản xuất:

  + Thiếu cơ sở xác định tính đúng đắn của thông tin trên nhãn sản phẩm như tác dụng, khuyến cáo, liều sử dụng, đối tượng sử dụng. Do đó nhà sản xuất có xu hướng cường điệu hóa tác dụng của sản phẩm; nhà quản lý thiếu cơ sở khoa học để xác định vấn đề quản lý.

  + Tính trung thực, đúng mức đối với thông tin quảng cáo của nhà sản xuất. Xu hướng nhà sản xuất, kinh doanh thường chủ ý hoặc vô tình thiết kế những thông tin quảng cáo "mập mờ", "nước đôi" làm cho người tiêu dùng "nhầm", "quá tin tưởng" dẫn đến những bức xúc trong xã hội.   

- Công tác tuyên truyền giáo dục còn hạn chế, nên người quản lý, lãnh đạo, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng chưa hiểu biết đầy đủ về thực phẩm chức năng.

Một số giải pháp

- Mọi sản phẩm thực phẩm chức năng đều phải được công bố tiêu chuẩn chất lượng trước khi lưu hành ra thị trường (cả thực phẩm chức năng sản xuất trong nước và nhập khẩu).

- Các sản phẩm khi làm thủ tục đăng ký công bố tiêu chuẩn sản phẩm phải cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan, đặc biệt các tài liệu khoa học có giá trị pháp lý chứng minh tác dụng của chất có hoạt tính sinh học trong sản phẩm đăng ký, những tài liệu của nước sở tại cho phép lưu hành tự do theo quy định.

- Tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm phát hiện sớm những vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo, kiên quyết xử lý nghiêm để tăng cường hiệu lực quản lý đối với sản phẩm.

- Thẩm định điều kiện cơ sở và chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để phối hợp quản lý sản phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh.

- Tăng cường năng lực kiểm nghiệm các chất có hoạt tính sinh học, nghiên cứu thử nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

- Những trường hợp khó phân biệt phải thành lập hội đồng tư vấn chuyên môn, hội đồng thẩm định với sự tham gia của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Quản lý Dược, Vụ Y học cổ truyền theo đúng quy định.

- Tăng cường hợp tác quốc tế để hoàn thiện lý luận quản lý thực phẩm chức năng, kinh nghiệm quản lý thực phẩm chức năng làm cơ sở xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý sản phẩm, bảo đảm an toàn cho cộng đồng, hài hòa với quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. 

Việc người tiêu dùng chưa hiểu rõ về thực phẩm chức năng, sử dụng sai do quá tin hay lạm dụng khi xem thực phẩm chức năng là thần dược chữa bệnh hay tăng cường sức khoẻ, trong khi thực phẩm chức năng cũng như bất kỳ sản phẩm nào cần phải dùng đúng chỉ định và theo khuyến cáo mới mang lại tác dụng, hiện tượng một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng quảng cáo quá tác dụng, thậm chí sai lệch so với công bố hoặc quảng cáo khi chưa được cơ quan chức năng thẩm định nội dung... đang làm cho công tác quản lý chúng trở nên phức tạp, làm cho không ít người tiêu dùng vỡ mộng sau thời gian sử dụng.

TS. Lâm Quốc Hùng 

(Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế)

Theo Sức khoẻ & Đời sống