Hội nghị toàn thể Hội viên Hiệp hội năm 2014
[07/08/2014 10:57:18]

      Ngày 20 tháng 07 năm 2007 tại TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn thể Hội viên năm 2014 với Chủ đề “ Nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh thuốc trong nước”.

    Tham dự hội nghị có các ông, bà là ủy viên BCH, BTV, thường trực và đông đảo các Lãnh đạo doanh nghiệp (Chủ tịch HĐTV, TGĐ, PTGĐ….) tham dự.

     Hội nghị vinh dự được đón tiếp GS,TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế ; PGS,TS. Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế ; PGS,TS. Lê Văn Truyền Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế; Các ông, bà là lãnh đạo, chuyên viên  các Cục, Vụ, Viện  thuộc Bộ Y tế (Cục trưởng Cục quản lý Dược;  Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ ; Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Vụ trưởng vụ KH - TC; Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng; Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế: Phó chánh văn phòng BYT; Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TW; Chủ tịch Hội đồng dược điển VN…) và đại diện Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI).  

 

    Ông Nguyễn Văn Tựu - Chủ tịch Hiệp hội đã phát biểu khai mạc hội nghị và nhấn mạnh:  “Hội nghị này là cơ hội tốt và hiếm có để các doanh nghiệp dược hội viên trực tiếp trao đổi những vướng mắc bất cập và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với Bộ trưởng và các đơn vị liên quan nhằm xây dựng ngành dược Việt Nam ngày càng phát triển đáp ứng mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn”.

     Hội nghị đã nghe báo cáo tổng kết công tác của HH giai đoạn từ tháng 7/2013 đến tháng 7/2014 & kế hoạch công tác của hiệp hội đến hết năm 2015.

     Báo cáo tổng kết công tác của HH đã nêu bật những đóng góp của BCH. BTV, Thường trực, Văn phòng HH và của các DN hội viên trong việc tổ chức và tham gia các lớp tập huấn nhằm cập nhật, bổ túc kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động sxkd của các DN dược. Đặc biệt báo cáo đã đánh giá cao những tiến bộ của các DN hội viên, của thường trực HH trong những nỗ lực chung nhằm hoàn thành có trách nhiệm và có chất lượng nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội hệ thống văn bản QPPL có liên quan.

     Báo cáo của HH cũng đưa ra nhiều kiến nghị và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể đối với Chính phủ, đối với Bộ Y tế và với các Cục, vụ có liên quan như: Cục Quản lý dược; Cục Quản lý khám chữa bệnh; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Bảo hiểm ý tế … nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sxkd của các DN dược trong nước

     Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược đã trình bày: Kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó,

     Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị tiền thuốc tiêu thụ trong năm (trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%); Vắc xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho chương trình tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ.

     Cục trưởng khẳng định để triển khai Chiến lược phát triển ngành dược thì quyết định nhất là công tác xây dựng các cơ chế chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng các quy hoạch chi tiết để bảo đảm tính đồng bộ, ổn định, tính khả thi cao, công khai minh bạch và cần có các chính sách cụ thể về ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tăng cường đầu tư trong lĩnh vực dược.

     Trong kế hoạch triển khai chiến lược của Bộ Y tế được Bộ trưởng phê duyệt tại quyết định 2614/QĐ-BYT ngày 16/7/2014 vấn đề phát triển công nghiệp dược có 2 hoạt động trọng tâm được tập trung trong thời gian tới.

     Một là: Hướng dẫn triển khai nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo GMP- PIC/S và lộ trình thực hiện. Đây là hoạt động cần sự quyết tâm của các cấp quản lý và sự đồng thuận của các doanh nghiệp và cần tham khảo bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực. Cục trưởng cũng đề nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ hoạt động này cho ý kiến để Cục QLD xây dựng kế hoạch triển khai GMP-PIC/S và đề nghị WHO hỗ trợ.

     Hai là: Định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp dược Việt Nam. Chuyên môn hóa các doanh nghiệp sản xuất thuốc, hạn chế đầu tư trùng lắp các dây chuyền cũng như trùng lắp cơ cấu sản phẩm tạo sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp dược. Trong thời gian tới cơ quan QLNN sẽ công bố rõ ràng các định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp dược và các định hướng ưu đãi đầu tư (bao gồm cả ưu tiên sử dụng) theo hướng xác định rõ: Nhóm hoạt chất hoặc hoạt chất, dạng bào chế khuyến khích đầu tư, hưởng ưu đãi. Đây cũng là vấn đề trăn trở của Hiệp hội được Ông Trần Đức Chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội trình bày trong phần đề xuất giải pháp với Bộ Y tế.

     Trong kế hoạch triển khai chiến lược cũng đưa ra các hoạt động nhằm thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, sử dụng thuốc generic. Trong 1-2 thập kỷ tới Công nghiệp dược Việt nam vẫn là công nghiệp sản xuất thuốc generic. Các nhà sản xuất dược phẩm Việt Nam cần xây dựng chiến lược sản xuất thuốc generic có hiệu quả điều trị và chất lượng cao, đáp ứng mô hình bệnh tật của Việt Nam và giá cả cạnh tranh. Chiến lược sản phẩm cần tập trung vào first generic, Hiệu quả điều trị (tương đương điều trị, tương đương sinh học/sinh khả dụng) - PGS.TS Lê Văn Truyền trao đổi tại hội nghị.

     Công tác đấu thầu thuốc, xét duyệt thầu và thực hiện hợp đồng thầu được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Ông Đoàn Văn Đồi – CTHĐQT công ty Dược Nam Hà cho rằng khi áp dụng thông tư quy định sửa đổi, thuốc trúng thầu đã hạ giá bình quân 30%, tuy nhiên chất lượng thuốc, chất lượng dịch vụ cung cấp cũng giảm xuống. Cơ quan QLNN cần cân nhắc ưu tiên năng lực nhà thầu trong cách tính điểm để đạt được cả mục tiêu chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Cũng trao đổi về vấn đề này Bà Phan Thị Minh Tâm – TGĐ Công ty Dược TW Medipharco Tenamyd cho rằng với cơ chế trúng thầu “Giá rẻ nhất” như hiện nay thì nhiều Nhà máy/ Dây chuyền sản xuất thuốc của DN sẽ đóng cửa. Đồng nghĩa với việc các DN không có chi phí để đầu tư áp dụng công nghệ SX thuốc tiên tiến, nâng cao chất lượng thuốc.

     Bà Trần Thị Đào - TGĐ Công ty CP Imexpharm thì cho rằng cách phân chia gói thầu như hiện nay về cơ bản các thuốc ngoại nhập vẫn có ưu thế hơn. Trong hoạch định chiến lược và xây dựng VBQPPL cần vận dụng để có thể ưu tiên thuốc sản xuất trong nước. Cũng về vấn đề phân nhóm thầu Ông Huỳnh Tấn Nam – TGĐ Công ty CP Pymepharco đề nghị cần phải xem xét kỹ nhóm thuốc nhượng quyền tại Việt Nam. Thực tế là cùng cơ sở chuyển giao là các nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP / PIC/s-GMP thuộc các nước tham gia ICH nhưng cơ sở sản xuất nhượng quyền tại Việt Nam có thể là các nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP/ PIC/s-GMP hoặc là các nhà máy chỉ đạt tiêu chuẩn WHO-GMP do Bộ Y tế Việt Nam cấp. Việc xếp hai loại nhà máy nhận nhượng quyền đạt các tiêu chuẩn khác nhau nêu trên cùng tham gia một nhóm thầu sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài, làm triệt tiêu động lực thúc đẩy đầu tư kỹ thuật công nghệ cao cả trong lẫn ngoài nước vào ngành Dược Việt Nam.

     Bà Phạm Thị Việt Nga – TGD Công ty Dược Hậu Giang cho biết sau khi thực hiện thông tư mới về đầu thầu thuốc, doanh thu của công ty ở mảng bệnh viện cũng đã bị giảm xuống. Bà hoàn toàn ủng hộ chủ trương triển khai nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo GMP- PIC/S không phải chỉ đạt được mục tiêu lợi thế trong đấu thầu thuốc mà còn giúp các doanh nghiệp tạo lợi thế trong hoạt động xuất khẩu thuốc, nâng cao vị thế của ngành Dược Việt Nam trên trường quốc tế.

     Nhiều vấn đề khác cũng được đưa ra thảo luận tại hội nghị như: Quản lý kê khai giá thuốc doanh nghiệp đề nghị xem xét lại về việc kê khai và quản lý giá cho phù hợp, tạo điều kiện cho Doanh nghiệp phát triển và tái đầu tư; Nâng tỉ lệ cho chi phí quảng cáo tiếp thị tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước nâng cao lợi thế cạnh tranh; Giãn lộ trình thực hiện GMP bao bì; Vấn đề gia công thuốc cần xác định rõ bao nhiêu % tỷ lệ nội địa hóa thì mới được xem là sản phẩm gia công và được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc được xem là thuốc sản xuất tại Việt Nam...

     Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng đánh giá cao hoạt động của Hiệp hội và nỗ lực của các doanh nghiệp trong thời gian qua. Chia sẻ với những khó khăn của các Doanh nghiệp là một động lực để Bộ trưởng sắp xếp tham dự Hội nghị lần này. Bộ trưởng nhận định trong thời gian qua về phía cơ quan QLNN đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động xây dựng cơ chế chính sách.

     Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Dược trong năm qua cũng phản ánh nhiều tín hiệu đáng mừng, doanh thu tăng, có sản phẩm mới, chất lượng từng bước được khẳng định, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước được sử dụng tại Bệnh viện tăng lên. Tuy nhiên còn nhiều doanh nghiệp kêu vướng, kêu khó trong quá trình hoạt động, đặc biệt là vấn đề Đấu thầu thuốc, Gia công thuốc…

     Với tư cách người đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo định hướng nhằm thực hiện quyết tâm của Bộ Y tế tạo ra những bước đột phá cho ngành Dược trong thời gian tới: Trình quốc hội ban hành Luật Dược theo hướng mở rộng phạm vi Luật Dược. Điều chỉnh và sớm ban hành các Thông tư sửa đổi bổ sung  Thông tư 22 về đăng ký thuốc, Thông tư 14 về bao bì trực tiếp với thuốc; Thông tư hướng dẫn về đấu thầu thuốc ... cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và hài hòa với các mục tiêu quản lý. Xây dựng đề án đào tạo nhân lực Dược, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế  nhằm tạo ra các bước đột phá trong hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

     Về phía Hiệp hội doanh nghiệp Dược, Bộ trưởng đề nghị Hiệp hội với tư cách đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp Dược tích cực tham gia ý kiến cho các dự thảo sửa đổi văn bản QPPL để các văn bản khi ra đời thực sự hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp với Cục quản lý dược trong công tác đào tạo, tập huấn doanh nghiệp; Phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng tăng cường công tác truyền thông quảng cáo cho ngành Dược Việt Nam; Bộ trưởng/ Lãnh đạo Bộ Y tế sẵn sàng tiếp xúc, đối thoại với Lãnh đạo doanh nghiệp, HH khi cần để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sxkd của DN; Bộ trưởng cũng đề nghị các Cục, Vụ liên quan của BYT phối hợp với Hiệp hội tổ chức Hội nghị kết nối  giữa các nhà cung cấp thuốc (các DN) và các đơn vị sử dụng (các bệnh viện) để tìm ra tiếng nói chung nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các bên.

     Hội nghị năm nay được tổ chức đúng dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27 tháng 7, nhân dịp này Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam đã trao tặng Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh Quảng Bình 50 triệu đồng để tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Buổi chiều cùng ngày Hiệp hội đã tổ chức đoàn viếng mộ đại tướng Võ Nguyễn Giáp - một hoạt động ý nghĩa khép lại chương trình Hội nghị toàn thể hội viên năm 2014.

(Tin VPHH)