Một số lưu ý khi giao dịch với các đối tác ở Trung Đông
[12/01/2010 10:37:26]

Vụ Châu Phi - Tây Nam Á cho biết, theo ghi nhận của các Thương vụ Việt Nam phụ trách địa bàn này, thời gian gần đây đã phát sinh một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, rủi ro trong việc thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu với một số đối tác tại các nước Trung Đông.

Vụ Châu Phi - Tây Nam Á cho biết, theo ghi nhận của các Thương vụ Việt Nam phụ trách địa bàn này, thời gian gần đây đã phát sinh một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, rủi ro trong việc thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu với một số đối tác tại các nước Trung Đông.

Trong đó, những vấn đề mấu chốt của sự việc lại nằm ở các bước cơ bản như kiểm tra năng lực, độ tin cậy của đối tác nước ngoài; ký kết, triển khai các điều khoản của hợp đồng ngoại thương (mua bán xuất nhập khẩu).

Khi việc tìm kiếm và giao dịch với khách hàng được thực hiện qua mạng Internet phổ biến như hiện nay thì khâu thẩm tra lý lịch thương nhân và khả năng tài chính của doanh nghiệp thực sự đóng vai trò quan trọng để quyết định khả năng hợp tác lâu dài hay trước khi ký kết những hợp đồng giao dịch.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với doanh nhân các nước Trung Đông lại chưa coi trọng hoặc chủ quan với vấn đề "business identity" - nhận dạng doanh nghiệp kể cả với các đối tác giao dịch trực tiếp qua mạng hoặc được giới thiệu qua trung gian.

Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp của Việt Nam không thực sự nắm vững các nguyên tắc ký kết hợp đồng, bất cẩn trong việc kiểm tra các điều khoản về thông tin người mua/bán, hình thức thanh toán, giao nhận, trọng tài, ngân hàng, sự không đồng nhất giữa người đứng tên hợp đồng và người hưởng lợi,... dẫn đến khi có tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp Việt Nam thường chịu nhiều tổn thất.

Không thiếu các trường hợp, đối tác nước ngoài cố gắng kéo dài thời gian nhận hàng để yêu cầu giảm giá hàng, hoặc tâng giá mua hàng, lợi dụng các khiếm khuyết của hợp đồng để thực hiện việc lừa đảo, nhận hàng không trả tiền, hoặc nhận tiền mà không giao hàng.

Để tránh các tranh chấp, giảm thiểu thiệt hại trong giao dịch ngoại thương với các đối tác nước ngoài thuộc khu vực trên, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý trong khâu kiểm tra lý lịch thương nhân, khả năng tài chính của doanh nghiệp. Việc này có thể thông qua hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước trong khu vực, Phòng Thương mại công nghiệp của nước sở tại hoặc Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương. Cần yêu cầu đối tác cung cấp bản sao giấy phép (đăng ký) kinh doanh. Khi kiểm tra giấy phép (đăng ký) kinh doanh cần lưu ý các khoản mục sau:

- Tên, địa chỉ công ty;
- Ngày cấp giấy phép;
- Thời hạn hết hiệu lực;
- Phạm vi kinh doanh;
- Vốn đăng ký;
- Tài khoản ngân hàng.

Bên cạnh đó, trước khi ký hợp đồng, doanh nghiệp có thể tham khảo tư vấn của luật sư hoặc gửi lấy ý kiến của các Thương vụ Việt Nam. Doanh nghiệp có thể truy cập để có thông tin liên hệ của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài qua website của Bộ Công Thương: www.moit.gov.vn (phần Tổ chức/Thương vụ).

Nguồn: InfoIV

Newsletter

Sign up to receive information periodically